Showing posts with label Chăm Sóc Bé. Show all posts

Mẹo cân bằng chất béo hợp lý trong bữa ăn của bé

Phần lớn khoảng 60% não của bé cấu thành từ chất béo. Các chị em phụ nữ đang và đã làm mẹ hãy quan tâm, tìm hiểu kỹ càng về chế độ dinh dưỡng của bé, cung cấp lượng chất béo hợp lý cho bé. Để giúp bé phát triển một cách toàn diện. Cùng Bí Quyết Phụ Nữ tham khảo mẹo cân bằng chất béo hợp lý trong bữa ăn của bé dưới đây nhé!!!

1. Trong 6 tháng đầu đời, bé nhận được tất cả các chất béo cơ thể cần từ sữa mẹ. Sữa mẹ có chứa chất béo mà người mẹ có được thông qua chế độ ăn uống của bản thân. Ngoài sữa mẹ, sữa công thức cũng giúp bổ sung những chất béo thiết yếu cho sự phát triển của bé.

2. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn cần sử dụng phối hợp cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật trong khẩu phần ăn để nạp thêm năng lượng cho thời kì tăng trưởng mạnh mẽ của bé. Ví dụ như khi cháo, bột, hoặc thức ăn dặm của bé đã nấu chín, mẹ có thể trộn một thìa dầu ăn/ dầu mè/ dầu oliu vào thức ăn của con. Đây là một trong những chất béo tốt nhất dành cho cơ thể bé.

Hình ảnh Mẹo cân bằng chất béo hợp lý trong bữa ăn của bé
Mẹo cân bằng chất béo hợp lý trong bữa ăn của bé


3. Khi trẻ quá 2 tuổi, bạn có thể dần dần bắt đầu giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống của bé. Đây cũng là lúc nên cho bé chuyển sang uống sữa ít béo. Bạn có thể tìm các sản phẩm ít béo từ sữa như sữa chua và các chế phẩm khác.


4. Bắt đầu áp dụng các bữa ăn ít chất béo cho trẻ mới đi học bởi đây là lứa tuổi trẻ bắt đầu có thể bị béo phì. Lượng chất béo cần thiết cho trẻ ở độ tuổi này là 30-40g/ngày, chiếm 20% khẩu phần ăn hàng ngày. 


Hình ảnh Mẹo cân bằng chất béo hợp lý trong bữa ăn của bé

5. Cố gắng hạn chế các loại thức ăn có chứa các chất béo không tốt trong bữa ăn gia đình như chất béo trong thịt, bơ, các loại thực phẩm chiên, bánh ngọt và bánh quy... Thay vào đó, bạn nên sử dụng các loại thức ăn chứa nhiều chất béo tốt như thịt nạc, sữa ít chất béo, bơ thực vật được làm từ các chất béo không bão hòa đa hoặc không bão hòa đơn, các loại hạt, trái cây tươi và rau quả. Bạn cũng nên giảm việc tiêu thụ lượng chất béo bão hòa còn khoảng 10% trong một bữa ăn. 


6. Hãy làm tấm gương cho con bạn noi theo bằng cách ăn những thức ăn có lợi cho sức khỏe. Hạn chế thực phẩm đã qua chế biến, các loại thức ăn nhanh, các loại snack, bánh, kem và chocolate…

Mẹo hay đánh bay rôm sảy hiệu quả từ tự nhiên

Mùa nắng nóng, da của bé nổi nhiều nốt đỏ, đó thường gọi là rôm sảy. Khi bị rôm sảy, da của bé nhiễm trùng làm cho bé ngứa ngáy, khó chịu. Thường thì rôm xảy hay xuất hiện ở lưng, trán, ngực, cổ,...Vậy phải làm sao để trả lại làn da mịn màng cho bé. Cùng Bí Quyết Phụ Nữ tham khảo một số mẹo hay đánh bay rôm sảy hiệu quả từ tự nhiên dưới đây nhé!!!

Hình ảnh Mẹo hay đánh bay rôm sảy hiệu quả từ tự nhiên
Mẹo hay đánh bay rôm sảy hiệu quả từ tự nhiên 

Da bé mát lạnh nhờ mướp đắng (khổ qua)

Mướp đắng tính hàn, thường được các mẹ chế biến thành những món ăn mát, bổ. Tuy nhiên, nếu bé bị rôm sảy, mẹ cũng có thể dùng mướp đắng để tắm cho bé rất hiệu quả đấy. Chỉ cần lấy chừng 1 – 2 quả tươi, đem giã nát rồi lọc lấy nước pha vào chậu tắm cho bé. Làn da con sẽ nhanh chóng trở nên mát, mịn và các nốt rôm sảy cũng biến mất luôn. Thật đơn giản phải không các mẹ?

Dùng lá kinh giới

Thông thường, mẹ chỉ cần dùng một nắm lá tươi, rửa thật sạch rồi vò nát để pha nước tắm cho bé. Nếu là lá khô thì đem nấu sôi chừng 10 phút rồi làm tương tự như vậy. Mẹ cũng có thể kết hợp lá kinh giới với mướp đắng (khổ qua) để tăng hiệu quả bằng cách: rửa sạch tất cả rồi đem cắt nhỏ, xay hoặc giã nhuyễn sau đó lọc lấy nước và pha vào nước tắm cho con.

Tắm nước lá khế

Mẹ lấy một nắm lá khế, rửa sạch với nước muối loãng rồi cho vào nồi đun sôi để tắm cho con chừng 3 lần một tuần. Lá khế không chỉ làm bay rôm sảy mà còn khiến bé đỡ ngứa ngáy, khó chịu.

Mẹ cũng có thể vò trực tiếp lá tươi rồi lọc lấy nước để pha vào chậu tắm cùng 1 chút muối, nhưng lá khế vốn có nhiều sâu gây ngứa nên mẹ phải đảm bảo là rửa thật sạch nhé! Cũng không nên tắm quá thường xuyên vì lá khế có nhựa sẽ làm da bé xỉn màu.


Hình ảnh Mẹo hay đánh bay rôm sảy hiệu quả từ tự nhiên
Lá mảnh bát

Có lẽ nhiều mẹ nghe tên có thể thấy lạ lẫm với loại lá này. Nhưng nếu ra các cửa hàng chuyên bán các loại lá ở những chợ lớn mẹ có thể dễ dàng tìm được. Mua lá mảnh bát về, các mẹ nhớ rửa sạch rồi đem phơi. Khi nào cần dùng thì lấy ra chừng 2 nắm, rửa thật sạch một lần nữa rồi cho vào nồi, đổ xăm xắp nước và đun sôi. Khi lá bắt đầu chuyển sang màu vàng và có mùi thơm nhẹ là được. Mẹ chờ cho nước nguội bớt, đem lọc bã rồi pha nước tắm cho con. Bằng cách này, chỉ chừng 1 tuần là da bé sẽ láng mịn và đỡ hẳn những nốt rôm.

Rau sam

Thường mọc trong vườn và những nơi đất ẩm, rau sam có vị chua, tính hàn, không độc và có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Mẹ dùng khoảng một nắm rau sam tươi giã nát, vắt lấy nước rồi pha tắm cho con để trị rôm sảy rất hiệu quả đấy!

Hình ảnh Mẹo hay đánh bay rôm sảy hiệu quả từ tự nhiên

Hạt cây thì là và dầu dừa

Khi bé bị rôm sảy, mẹ hãy giã nát hạt cây thì là rồi trộn lần với dầu dừa để thoa lên vùng da nhiều rôm cho bé. Sau đó để nguyên trong vòng 1 giờ rồi mới tắm lại bằng nước ấm, đảm bảo bé sẽ hết sạch những đốm đỏ li ti "đáng ghét".

Nước cốt chanh

Nếu da con không bị trầy xước, mẹ có thể vắt chừng nửa quả chanh vào nước ấm để tắm cho bé. Tình hình rôm sảy sẽ cải thiện đáng kể. Tuyệt đối không chà xát chanh trực tiếp lên da bé.

Hình ảnh Mẹo hay đánh bay rôm sảy hiệu quả từ tự nhiên
Lá chè xanh

Có tác dụng trị rôm sảy rất tốt, tuy nhiên khi tắm bằng lá này, các mẹ nên lưu ý: chè xanh dùng để tắm cho bé phải thật sạch, an toàn. Nên đun sôi một lúc để lá chè ngấm và pha đặc một chút (nước có màu nâu vàng), bởi nếu nước nhạt quá sẽ không có tác dụng. Mẹ cũng không cần tắm chè xanh hàng ngày cho con, vì sẽ rất mất thời gian và làm vàng khăn, vàng áo bé.

Lá dâu tằm và bột đậu xanh

Dùng một nắm lá dâu tằm (chừng 200g), rửa sạch cho vào túi vải, nấu với khoảng 5 lít nước, đun sôi rồi chờ đến nước ấm thì tắm cho bé. Sau đó mẹ lau khô rồi bôi (hoặc rắc) bột đậu xanh vào những chỗ rôm mọc (đậu xanh cả vỏ, tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần). Làm như vậy liên tục 3 – 5 ngày là rôm hết mọc.

Ngoài ra, một số loại lá như vòi voi, sài đất,… cũng có tác dụng trị rôm sảy rất tốt. Nếu mẹ kiếm được những loại đó thì có thể áp dụng.

7 gợi ý giúp bạn rèn luyện thói quen ngủ riêng cho bé

Bé lớn rồi, nhiều cha mẹ muốn luyện tập thói quen ngủ riêng cho bé, nhưng lại không biết làm cách nào, nhiều lúc còn làm bé la khóc ầm ĩ, tốn cả mấy đêm không ngon giấc. Thật ra không quá khó lắm đâu, tuy nhiên cũng không phải quá dễ, nhưng chúng ta vẫn nên luyện tập thói quen ngủ sớm cho bé đúng lúc sẽ tốt hơn nhé! Để thuyết phục được các bé thì hãy cùng Bí Quyết Phụ Nữ tham khảo 7 gợi ý giúp bạn rèn luyện thói quen ngủ riêng cho bé!!!

1. Chuẩn bị phòng ngủ cho bé

Hãy để bé cùng lựa chọn và trang trí phòng riêng theo ý thích: sơn tường, treo ảnh bé hay đơn giản là trang trí những hình dán nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh… Điều này vừa giúp cho cha mẹ và bé gần gũi lại vừa làm bé thấy yêu thích căn phòng hơn đấy. Khi chuẩn bị phòng ngủ cho bé, bạn cũng nên chú ý tạo một môi trường thuận lợi cho giấc ngủ, tránh để quá nhiều thiết bị điện tử. Nếu bé sợ bóng tối, hãy để một chiếc đèn ngủ nhỏ trong phòng: ánh sáng nhẹ nhàng sẽ khiến bé an tâm và ngủ ngon hơn.

2. Hình thành những thói quen trước khi đi ngủ

Hãy tập cho bé những thói quen đều đặn như đánh răng, làm vệ sinh cá nhân, xếp gọn đồ chơi trên giường trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích thú vị giúp bé dễ ngủ hơn. Tránh kể quá nhiều về quái vật có thể khiến bé gặp ác mộng khi ngủ và không dám ngủ một mình nữa.


3. Hạn chế xuất hiện bên bé

Rời khỏi phòng trước khi bé ngủ thiếp đi để giảm dần sự phụ thuộc của bé. Tạo cho bé suy nghĩ rằng bé đang lớn lên và tự lập hơn. Nếu bé lo sợ khi bạn rời đi, có thể giải thích với bé: “Bố mẹ ở ngay phòng bên cạnh thôi, nếu cần con có thể gọi mẹ”. Bạn cũng có thể mua cho bé một chiệc gối ôm hoặc gấu bông để bé có cảm giác có bạn chơi cùng, ngủ cùng.

4. Để ý xem bé có ngủ ngoan không

Khoảng 15-20 phút sau khi bảo bé nhắm mắt ngủ, bạn có thể nhẹ nhàng mở cửa ra để xem bé có ngủ được hay không. Thỉnh thoảng bạn có thể sang phòng chỉnh lại tư thế nằm thoải mái cho bé hay kéo chăn cho bé đỡ lạnh. Nếu biết điều này, bé sẽ yên tâm hơn nghĩ rằng bố mẹ luôn ở bên mình đấy.

5. Không nên quá nóng vội

Trẻ em Á Đông hầu hết đều quấn cha mẹ, vì vậy việc tập cho bé ngủ riêng ban đầu có thể gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, bạn đừng quá lo lắng mà tạo áp lực cho bé. Hãy kiên trì giúp bé thích nghi dần dần để bé có thể tự lập hơn.

6. Dứt khoát với bé

Với tâm lí thương con, các bậc cha mẹ thường rất dễ mủi lòng khi thấy bé ôm gối sang phòng mình xin ngủ cùng. Tuy vậy, bạn cần dứt khoát giải thích với bé: “Giờ con đã lớn rồi, con cần học cách ngủ một mình”. Sau đó, bạn có thể đưa bé về phòng, nán lại một chút để dỗ bé ngủ nhưng không nên để bé ngủ cùng. Nếu bạn dễ dàng “thỏa hiệp” với bé, việc rèn cho bé thói quen ngủ riêng sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn đấy.

7. Có phần thưởng cho bé

Nếu bé làm tốt, ngủ ngoan, bạn hãy khen ngợi kịp thời hoặc là thưởng cho bé một món đồ chơi nhỏ xinh hay một món ăn mà bé yêu thích. Bé sẽ cảm thấy được động viên và có động lực ngủ riêng hơn đấy.

Chúc bạn sẽ sớm thành công với 7 gợi ý trên nhé!



13 thực phẩm giàu dinh dưỡng mẹ đang cho con bú nên bổ sung

Bất cứ người mẹ nào cũng mong muốn con mình khỏe mạnh, phát triển một cách toàn diện. Hôm nay Bí Quyết Phụ Nữ mách cho những chị em đang làm mẹ, đang trong thời gian cho con bú một số loại thực phẩm cần thiết cung cấp cho cơ thể, tạo dinh dưỡng tốt cho con của bạn nhé! Qua bài 13 thực phẩm giàu dinh dưỡng mẹ đang cho con bú nên bổ sung sẽ mang lại cho các mẹ một nguồn sữa dồi dào mà lại bổ đưỡng, tốt trong việc cung cấp dinh dưỡng cho các bé nữa đó!!!

1. Ngũ cốc
Lượng carbohydrates có trong ngũ cốc là nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể mẹ và bé. Nó cũng giúp mẹ đảm bảo được chất lượng sữa. Vì thế, mẹ hãy bổ sung thêm ngũ cốc vào thực đơn hàng ngày của mình.

2. Sữa chua

Trong sữa chua có chứa một lượng lớn canxi và protein, giúp tăng cường hệ miễn dịch, diệt các vi khuẩn có hại trong ruột. Ngoài ra, sữa chua còn có nhiều vi khuẩn có lợi, ngăn ngừa viêm nhiễm vùng kín và giúp bồi bổ nguồn sữa mẹ.
Hình ảnh 13 thực phẩm giàu dinh dưỡng mẹ đang cho con bú nên bổ sung
13 thực phẩm giàu dinh dưỡng mẹ đang cho con bú nên bổ sung
3. Cá hồi
Đối với các mẹ đang cho con bú thì cá hồi là loại thực phẩm cung cấp năng lượng tuyệt vời nhất. Trong cá hồi có chứa một loại chất béo mang tên DHA - một chất có vai trò quan trọng để phát triển hệ thần kinh của trẻ. 

Lượng DHA trong cá hồi có thể giúp ích cho tâm trạng con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nó góp phần ngăn ngừa chứng trầm cảm sau khi sinh. 

4. Nước
Nước giúp duy trì năng lượng và chất lượng của sữa mẹ. Vì thế, các mẹ hãy cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể bằng cách uống nước ép hoa quả hoặc sữa và nên hạn chế các loại đồ uống chứa nhiều caffein như cà phê hoặc trà.

5. Gạo lứt
Sau khi sinh, các mẹ thường muốn giảm cân để thân hình nhanh chóng thon gọn bằng cách cắt giảm khẩu phần ăn. Tuy nhiên, nếu các mẹ làm như vậy sẽ không có đủ sữa để đáp ứng cho con. Do đó, các mẹ nên giảm cân một cách an toàn và hiệu quả bằng gạo lứt. Gạo lứt giúp cung cấp lượng calorie cần thiết để cơ thể mẹ sản xuất ra sữa có chất lượng tốt nhất mà không làm tăng lượng mỡ trong cơ thể.

6. Phômai
Trong phô mai có chứa rất nhiều chất đạm, vitamin B, vitamin D cùng một nguồn canxi dồi dào vì thế rất có lợi cho mẹ đang cho con bú. 

Tuy nhiên, các mẹ cũng đừng nên ăn quá nhiều phô mai vì sẽ dễ tăng cân.

Hình ảnh 13 thực phẩm giàu dinh dưỡng mẹ đang cho con bú nên bổ sung
7. Cam
Cam là thực phẩm rất tốt và bổ dưỡng cho phụ nữ mới sinh. Nó cung cấp cho các mẹ một lượng vitamin C cần thiết, thậm chí là cả canxi. Vì thế, các mẹ đang cho con bú nên cố gắng uống vài ngụm nước cam mỗi ngày để cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất quan trọng này.

8. Thịt bò nạc
Khi cho bé bú, bạn cần bổ sung thêm nhiều đạm và vitamin B12 để chống lại sự mệt mỏi, kiệt quệ khi phải thức đêm chăm sóc con. Thịt bò nạc có thể giúp bạn cung cấp được cả hai chất cần thiết này một cách hoàn hảo nhất.

9. Quả việt quất
Quả việt quất là loại trái cây rất giàu chất chống oxy hóa, nhiều vitamin, chất khoáng và một lượng lớn carbohydrate, giúp cho mẹ duy trì được nguồn năng lượng cơ thể một cách tốt nhất. Điều này giúp lượng sữa của mẹ chất lượng hơn.

10. Thực phẩm họ đậu
Những loại đậu, đặc biệt là loại đậu có màu sậm như đậu đen, là nguồn dưỡng chất rất tốt cho phụ nữ đang cho con bú. Chúng cung cấp cho cơ thể của người mẹ một nguồn sắt và đạm phi động vật dồi dào.

Hình ảnh 13 thực phẩm giàu dinh dưỡng mẹ đang cho con bú nên bổ sung
11. Trứng
Những bà mẹ đang cho con bú nên tích cực ăn thêm trứng bởi lòng đỏ trứng cung cấp một lượng vitamin D và dưỡng chất thiết yếu giúp xương mẹ vững chắc và xương bé phát triển khỏe mạnh hơn. 

Ngoài ra, trứng còn cung cấp DHA - một dưỡng chất thiết yếu trong sữa mẹ giúp con tăng cường hệ thần kinh.

12. Bánh mì
Bánh mì có chứa nhiều axit folic - một dưỡng chất cần thiết trong sữa mẹ để đảm bảo sức khỏe của trẻ. Không chỉ thế, ăn nhiều bánh mì sẽ giúp các mẹ bổ sung thêm một lượng lớn chất xơ và sắt.

13. Rau xanh
Một số loại rau xanh bổ ích các bà mẹ đang cho con bú nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày như cải bó xôi, cải xanh Thụy Sĩ, bông cải xanh...Chúng cung cấp cho bé những dưỡng chất cần thiết từ sữa mẹ như canxi, sắt, vitamin A, vitamin C... Rau xanh cũng chứa nhiều chất oxy hóa và rất tốt cho tim mạch.


8 sai lầm mẹ mắc phải khi chăm sóc bé dưới 6 tháng tuổi

Nhiều bà mẹ còn bối rối, chưa biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng con của mình. Vì vậy những lỗi nhỏ trong việc ăn, mặc,... thường rất dễ phạm phải. Cùng Bí Quyết Phụ Nữ điểm qua 8 sai lầm mẹ mắc phải khi chăm sóc bé dưới 6 tháng tuổi nhé!!!

1.Không giữ sạch sẽ cho trẻ
Điều này nghe có vẻ rất tầm thường nhưng lại rất quan trọng để duy trì sức khỏe của trẻ sơ sinh. Nếu bạn có bạn bè hoặc người thân đến để thăm em bé mới chào đời, bạn nên đề nghị rửa tay sạch sẽ trước khi bế em bé hoặc khi họ đang lạnh hoặc ho thì không nên lại gần bé.

Điều này rất quan trọng, bởi vì trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi vẫn đang trong quá trình hình thành hệ thống miễn dịch, sức đề kháng của bé còn rất non nớt để thích nghi được với những thay đổi của môi trường. Ngoài ra, không nên để các bé dưới sáu tháng tuổi đi du lịch để tránh các đám đông nhằm hạn chế nhiễm các bệnh lây lan qua tiếp xúc và qua đường hô hấp.
Hình ảnh 8 sai lầm mẹ mắc phải khi chăm sóc bé dưới 6 tháng tuổi
8 sai lầm mẹ mắc phải khi chăm sóc bé dưới 6 tháng tuổi

2.Để trẻ ngủ suốt cả đêm hoặc ngủ ngày quá ba tiếng mà không bú
Thật sai lầm nếu bạn để trẻ ngủ dài trong suốt một đêm hoặc ngủ ngày quá ba tiếng mà không đánh thức bé dậy để bé bú. Đây cũng là lỗi rất thường gặp đối với những người lần đầu làm cha mẹ.Theo các chuyên gia, bạn nên đánh thức bé sau 3 giờ/một lần, thói quen này rất cần được duy trì trong hai tuần đầu mới chào đời của bé.

Bởi lẽ trẻ ngủ trong một thời gian dài mà không được bú mẹ sẽ dễ có nguy cơ bị khử nước trong cơ thể. Thêm vào đó, việc để trẻ ngủ dài suốt tám giờ liền chính là nguyên nhân khiến trẻ bị vàng da. Nguy hiểm hơn, việc giấc ngủ kéo dài với trẻ sơ sinh có thể là "thủ phạm" làm trẻ bị rơi vào hôn mê.

3.Ngại tắm cho trẻ
Nhiều bậc cha mẹ rất ngại việc tắm cho trẻ vì cho rằng việc tắm sẽ khiến bé dễ bị cảm lạnh và ốm. Tuy nhiên, việc tắm cho trẻ là rất cần thiết. Vì trẻ mới sinh liên tục bong các lớp niêm mạc cũ tiếp xúc với dịch ối khi bé còn trong bụng mẹ, nên việc tắm rửa sẽ đem lại cho bé cảm giác sạch sẽ dễ chịu.

Khi trẻ ốm bệnh vẫn nên lau rửa thay quần áo cho bé, hoặc những ngày nhiệt độ thấp cần lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió và ủ ấm ngay sau khi tắm phòng nhiễm lạnh.
hình ảnh 8 sai lầm mẹ mắc phải khi chăm sóc bé dưới 6 tháng tuổi

4.Không chọn quần áo phù hợp để mặc cho bé
Bạn không nên mặc cho bé các bộ quần áo không phù hợp với thời tiết. Chẳng hạn khi thời tiết nóng nực lại mặc cho bé những bộ quần áo bó sát người hoặc ngược lại. Cơ thể của trẻ sơ sinh thường dễ trở nên nóng hơn. Vì vậy, bạn cần lựa chọn quần áo phù hợp cho bé không nên quá chật.

5.Cho trẻ ngủ ở tư thế nằm sấp
Nhiều phụ huynh đặt con nằm sấp để tránh bị trớ. Nhưng theo kết quả nghiên cứu về trẻ sơ sinh cho thấy trẻ ngủ nằm sấp trên một tấm chăn mềm có nguy cơ bị SIDS ( Hội chứng trẻ sơ sinh chết đột ngột ) hoặc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh cao hơn so với trẻ sơ sinh ngủ nằm ngửa do khi nằm sấp trên tấm chăn mềm, trẻ có nguy cơ ngạt thở cao hơn.

6.Sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý
Nhiều bậc cha mẹ cứ thấy con ốm là cho con dùng kháng sinh luôn. Trong thực tế, kháng sinh không tốt cho sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là cơ thể non nớt của bé. Thuốc kháng sinh cũng không thích hợp để điều trị các bệnh do virus như cúm, tiêu chảy, nôn và đau họng.

Thuốc kháng sinh chỉ có thể được sử dụng để chữa các bệnh do vi khuẩn gây ra. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể làm cho vi khuẩn trở nên đề kháng với thuốc và làm giảm tác dụng của thuốc khi thực sự mắc bệnh nhiễm trùng cần sử dụng kháng sinh.

7.Dùng thuốc không đúng liều lượng
Nhiều bậc cha mẹ cho bé sơ sinh dùng liều thuốc bằng nửa liều của trẻ em. Đây là quan điểm hết sức sai lầm, dễ dẫn đến ngộ độc thuốc cho trẻ vì liều lượng thuốc ở trẻ sơ sinh và trẻ em rất khác nhau. Cần sử dụng liều lượng của thuốc theo cân nặng của trẻ và dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ .
hình ảnh 8 sai lầm mẹ mắc phải khi chăm sóc bé dưới 6 tháng tuổi

8.Để các đồ vật nguy hiểm gần tầm tay của bé
Các em bé rất ham khám phá những điều mới lạ xung quanh chúng nhưng khả năng tự bảo vệ mình lại chưa có. Vì vậy , bất cứ khi nào có thể, bạn hãy chú ý đến khu vực xung quanh nhà xem có các đồ vật nguy hiểm dễ dàng tiếp cận được trẻ hay không. Tránh các đồ vật như bình hoa, gạt tàn thuốc hoặc những món đồ thủy tinh, ổ cắm, dây điện, đồ nội thất sắc nhọn và thuốc .



Cách cho rau vào bột ăn dặm bổ sung dinh dưỡng cho bé

Bé tới tuổi ăn dặm, đây là lúc bạn bắt đầu có thể bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho bé rồi, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng cho sự phát triển của bé. Và rau là nguồn dinh dưỡng rất tốt, trong rau chứa Vitamin, khoáng chất và chất xơ. Nếu như bạn tự tay làm bột cho bé yêu của mình thì tham khảo bài viết này nhé! Bí Quyết Phụ Nữ gợi ý cách cho rau vào bột ăn dặm bổ sung dinh dưỡng cho bé.
Hình ảnhCách cho rau vào bột ăn dặm bổ sung dinh dưỡng cho bé
Cách cho rau vào bột ăn dặm bổ sung dinh dưỡng cho bé

Trước hết, bạn cần “tô màu bát bột ”cho bé với đủ 4 nhóm thực phẩm: glucid (bột đường, gạo, khoai, bột mì…), protein (thịt, cá, trứng…), vitamin và khoáng chất (rau xanh, hoa quả…), lipid (chất béo: mỡ, dầu ăn…). Mẹ bé sẽ hoàn toàn sai lầm nếu không cho rau vào bột ăn dặm của bé vì nghĩ rằng chúng không quan trọng. Rau, củ, quả rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, chúng cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, tiêu hóa tốt, phòng ngừa táo bón hiệu quả.

Bạn cần chọn những loại thực phẩm và cách chế biến phù hợp với lứa tuổi của bé. Nếu bé yêu của bạn bắt đầu ăn dặm, thì mẹ không nên chọn các thực phẩm như: lạc, hải sản vì nó có thể làm bé bị dị ứng… Mẹ nên cho bé ăn từng ít một đối với những thức ăn mới và để ý đến một số phản ứng bé có thể gặp phải như: da nổi sẩn, bạn đỏ, nôn trớ không…để có thể dừng lại kịp thời và thay thế bằng những món khác.

Một lượng thức ăn vừa phải cho bé để cung cấp đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng. Mẹ nên lưu ý cho bé ăn lượng thức ăn hợp lý để bé có thể dễ dàng hấp thu vì khẩu phần ăn dặm của bé 6 tháng tuổi khác với khẩu phần ăn của bé 10 tháng tuổi.

Với những trẻ mới tập ăn dặm:

Bước 1
Mẹ xay thật nhuyễn thịt, cá, tôm…, không còn lợn cợn để trẻ nuốt dễ dàng, tránh trường hợp trẻ bị trớ. Tiếp theo hòa thịt, cá, tôm đã xay nhuyễn với bột, khuấy đều đến khi cả bột và thịt đều chín.

Bước 2
Xay rau, củ, quả nhuyễn vào, cho vào xoong bột khuấy đều cho rau chín, (khoảng 2 phút) không nên đun quá lâu khiến rau bị nồng, làm mất lượng vitamin có trong rau, củ và bé ăn không ngon miệng. Sau đó, thêm một chút dầu ăn, khuấy đều và tắt bếp.

Bước 3
Cho bột ra bát và cho bé ăn.
hình ảnh Cách cho rau vào bột ăn dặm bổ sung dinh dưỡng cho bé

Với những trẻ đã có răng, có phản xạ nhai, nuốt:

Ở thời điểm này, nhiều bé đã ăn được cháo hạt vỡ hoặc cháo nguyên hạt. Mẹ có thế làm theo các bước sau để chế biến cháo ăn dặm cho bé:

Bước 1
Để không mất thời gian nấu cháo cho bé, bạn có thể nấu một nồi cháo trắng đặc, cho vào hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh và cho bé ăn trong ngày. Mỗi bữa mẹ lấy cháo ra để chế biến bằng lượng chóa bé ăn mỗi bữa để chế biến.

Bước 2
Đun và khuấy đều lượng cháo vừa đủ một bữa ăn của trẻ trên bếp cho sôi đều để cháo không bị cháy. Để điều chỉnh độ đặc, loãng sao cho phù hợp, bạn có thể thêm nước vừa đủ.

Bước 3
Thịt và rau được băm nhỏ, mẹ nên hòa với một chút nước, khuấy đều để thịt tan ra để thịt sẽ không bị vón cục. Cho thịt vào trước, khuấy đều đến khi chín mới cho rau vào. Khi rau chín, bạn cho thêm một muỗng cà phê dầu ăn, khuấy đều, tắt bếp và cho cháo ra bát.


6 bí quyết để mẹ có nhiều sữa hơn sau sinh

Sữa mẹ rất quan trọng với bé, có lẽ người mẹ nào cũng biết. Nhưng sữa mẹ ít hay nhiều đó tùy thuộc vào sức khỏe,chế độ dinh dưỡng của người mẹ. 6 bí quyết để mẹ có nhiều sữa hơn sau sinh dưới đây sẽ giúp cho những bà mẹ có thêm sữa cho con mình nhé! 
hình ảnh 6 bí quyết để mẹ có nhiều sữa hơn sau sinh
6 bí quyết để mẹ có nhiều sữa hơn sau sinh
1.Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý điều độ
Ngay cả trong khi mang thai và giai đoạn cho con bú, mẹ cần ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết, ăn chín uống sôi, chú trọng bổ sung thêm chất đạm, vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng mới có thể có nhiều sữa sau sinh.

Đặc biệt, bạn cần uống đủ nước để có lượng sữa dồi dào nhé, ít nhất là 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
Ngay sau khi sinh, mẹ cần bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày những món ăn lợi sữa bao gồm cháo móng giò đu đủ xanh, cháo móng giò ý dĩ, cháo thịt thăn, cháo chân dê, sữa nóng (dành cho mẹ sinh thường), uống nhiều nước ấm, chè lá vằng, chè đậu đỏ mè đen, rau lang…tuy nhiên các mẹ không cần ăn gấp đôi đâu nhé, chỉ cần ăn nhiều hơn 30% so với bình thường là đảm bảo yêu cầu rồi.

2.Chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý
Trạng thái tinh thần tác động rất lớn đến nguồn sữa sau khi sinh cả về số lượng và chất lượng, ít nhất là trong thời kỳ mang thai và cho con bú, các mẹ cần giữ cho mình một trạng thái tinh thần vui vẻ, thoải mái, thư giãn, hạn chế căng thẳng, stress, tránh làm việc quá sức nếu không có thể dẫn đến tình trạng ít sữa, thậm chí mất sữa sau khi sinh nữa đấy.

Trong quá trình chăm sóc bé, các mẹ cần tranh thủ nghỉ ngơi khi bé ngủ nhằm hạn chế tình trạng mệt mỏi do thường xuyên phải thức đêm trông bé gây ảnh hưởng đến nguồn sữa nhé.

3.Cho bé bú sớm, liên tục, đúng tư thế
Những tia sữa đầu tiên được gọi là sữa non chứa rất nhiều kháng thể giúp các bé phòng chống lại bệnh tật ngay khi vừa mới chào đời, vì thế các mẹ cần cho bé bú ngay sau khi sinh, không những thế sữa non rất dễ bị tắc nên việc cho bé bú sớm sẽ hạn chế được tình trạng tắc, nghẽn tia sữa. Sau đó, bạn cần cho bé bú liên tục, đều đặn tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, giúp bạn tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa.

Cho bé bú đúng tư thế sẽ làm cho mẹ có nhiều sữa sau sinh hơn và bé cũng bú được nhiều hơn. Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn.

hình ảnh 6 bí quyết để mẹ có nhiều sữa hơn sau sinh
4.Thường xuyên massage nhẹ nhàng bầu vú
Trong quá trình mang thai, bạn nên massage nhẹ nhàng theo hướng vòng tròn vừa có tác dụng kích thích tuyến sữa hoạt động vừa giúp bầu vú trở nên săn chắc, đẹp hơn sau khi sinh. Đặc biệt, trong quá trình massage bạn không nên chạm hay day bầu vú gây co bóp tử cung nhé, đồng thời nếu nhũ hoa bị tụt vào bên trong thì bạn phải lấy tay kéo ra để khắc phục tình trạng này.

Sau khi sinh, bạn cần dùng cơm nếp nấu hơi nhão + men chua + củ hành tím băm nhuyễn trộn chung vào nhau và để còn ấm nóng, sau đó dùng tay thoa lên bầu vú và massage ngay sau sinh nở sẽ làm cho thông tuyến sữa, không tắc sữa và sữa thơm hơn. Trong những ngày đầu bạn phải liên tục phải massage và cho bé bú trong những ngày sữa về để thông tia, tránh tắc tia sữa và có nhiều sữa sau sinhnhé.

5.Giữ sạch núm vú
Bạn cần vệ sinh núm vú mỗi ngày bằng nước ấm, giữ sạch núm vú đặc biệt là các kẽ của núm vú để không bị tắc tia sữa. Trước khi cho trẻ bú, phải lau sạch và vắt vài giọt đầu bỏ đi, khi bú xong cũng cần lau sạch và khô. Khi thấy sữa chảy không thành tia hoặc tia bị tắc thì phải dùng tay xoa cho mềm vú, dùng ống hút sữa hoặc dùng tay vắt mạnh để thông sữa.

6.Dùng máy hút sữa để kích sữa
Đây cũng là một trong những biện pháp có tác dụng kích sữa rất hiệu quả. Hãy lựa chọn cho mình một máy hút sữa có thương hiệu uy tín và tiến hành việc hút sữa hàng ngày nhé, sản phẩm này cực kỳ hữu hiệu đối với những mẹ bận rộn không có thời gian cho con bú thường xuyên hoặc những mẹ nào sinh mổ co ít sữa đấy.

Áp dụng những 6 cách đơn giản giúp mẹ có nhiều sữa sau sinh trên đây sẽ giúp các mẹ giải tỏa được phần nào nỗi lo về nguồn sữa cho bé rồi đấy. Áp dụng đúng cách, đúng thời điểm, phối hợp nhịp nhàng các mẹo kể trên sẽ mang đến kết quả tốt trong việc cung cấp cho các bé một nguồn sữa dồi dào, chất lượng nhằm tạo nền tảng tốt cho sự phát triển toàn diện sau này của bé. Các mẹ hãy nghiên cứu, áp dụng và kiểm nghiệm chất lượng nhé. Cực kỳ hiệu quả đấy.