Sả được trồng khá phổ biến ở nông thôn, nhất là trong các vườn thuốc gia đình và trạm y tế xã, từ đồng bằng đến miền núi. Cây còn được phát triển ở quy mô nông trường tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đăk Lăk, Tây Ninh để cất tinh dầu sả xuất khẩu.
Trong thực phẩm, sả là một gia vị quen thuộc được dùng ăn sống hoặc tẩm ướp cho thơm các món ăn được chế biến từ thịt lợn, thịt chó. Trong y học, sả có hai tác dụng: phòng và chữa bệnh.
Về phòng bệnh, nhân dân miền sơn cước thường lấy nõn sả muối dưa ăn để phòng ngừa sơn lam chướng khí, sốt rét ngã nước. Phụ nữ lại lấy lá sả nấu nước gội đầu làm thơm, sạch gàu, trơn tóc, tránh những bệnh về tóc và da đầu. Nhân dân trồng cây sả quanh nhà ngoài vườn, xung quanh nhà vệ sinh để xua đuổi ruồi, muỗi, dĩn, bọ chét vừa làm sạch môi trường, vừa có tác dụng phòng bệnh. Ngoài ra, tinh dầu sả còn khử mùi hôi trong công tác vệ sinh.
Về chữa bệnh, trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, sả được dùng với tên thuốc là hương mao hay hương thảo. Dược liệu có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm, hạ khí, thông tiểu, tiêu đờm.
Lá: Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa bụng trướng, chân tay gầy gò: Lá sả 12g; vỏ bưởi, hồi hương, trạch tả, mộc thông, cỏ bấc, mỗi vị 10g; quế 5g; bồ hóng, diêm tiêu, mỗi vị 2g; xạ hương 0,05g. Tất cả sắc cách thủy với 200ml nước trong 15-30 phút, rồi uống làm hai lần trong ngày. Kiêng ăn cơm nếp và muối mặn. Nên ăn vài khẩu mía trước khi uống thuốc để tránh khé cổ.
Thuốc xông giải cảm: Lá sả, lá bưởi, lá chanh, cúc tần, hương nhu hoặc lá bạch đàn (có thể thêm tía tô, bạc hà, kinh giới), mỗi thứ 50g, cho vào nồi, đậy kín, đun sôi trong 5-10 phút. Lấy ra, mở vung, trùm chăn xông hơi cho ra mồ hôi, lau khô, rồi uống một bát nước thuốc, đắp chăn, nằm nghỉ.
Chữa phù nề chân, tiểu ít, thấp thũng: Lá sả 100g, rễ cỏ xước, rễ cỏ tranh hoặc bông mã đề, mỗi thứ 50g. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 3-4 ngày.
Rễ: Dùng riêng, lấy rễ tươi giã nát, xát vào vết chàm chữa chàm mặt ở trẻ em.
Dùng phối hợp:
Chữa tiêu chảy: Rễ sả 10g; củ gấu, vỏ rụt, mỗi vị 8g; vỏ quýt, hậu phác, mỗi vị 6g; sắc uống. Hoặc rễ sả 10g, búp ổi 8g, củ riềng già 8g, thái nhỏ, sao qua, sắc đặc uống.
Chữa đau dạ dày - tá tràng: Rễ sả sao 10g; cám gạo rang cháy 10g; hương phụ sao 8g; hậu phác tẩm nước gừng, sao 6g; thạch xương bồ, củ riềng nướng, mỗi vị 4g; dạ dày lợn sấy khô giòn 1 cái. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 12g với nước ấm.
Chữa ho: Rễ sả, trần bì, sinh khương, tô tử, mỗi vị 250g (4 vị này giã nát, ngâm rượu 40o vừa đủ để được 200ml); bách bộ bỏ lõi, thái nhỏ, sao khô 500g; mạch môn bỏ lõi 300g; tang bạch bì tẩm mật, sao vàng 200g (3 vị này sắc và cô đặc lại thành 300ml cao lỏng). Trộn lẫn cao lỏng và rượu thuốc. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10ml.
Dùng ngoài, rễ sả thái nhỏ, phơi khô, tán bột trộn với phèn phi rồi bôi để chữa loét lợi, hôi nách.
Tinh dầu: Chiết được từ lá và rễ sả được dùng uống, mỗi lần 3-6 giọt pha trong sữa và nước thành nhũ tương, có tác dụng thông trung tiện, chống nôn, giảm đau, chữa đầy bụng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Ở một số nước châu Âu, nước sả có đường là một loại đồ uống giải khát, thanh nhiệt được nhiều người ưa thích.
Dùng ngoài, tinh dầu sả phối hợp với nhiều loại tinh dầu khác để xoa bóp làm giảm đau xương, đau mình, nhức mỏi. Bôi trên da hoặc phun trong nhà, dầu sả là thuốc diệt muỗi, dĩn, bọ chét.
Theo tài liệu nước ngoài, ở Ấn Độ, sả được dùng để làm thơm thức ăn, nước hãm lá sả để giải khát. Ở Indonesia, rễ sả phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa bệnh vàng da dưới dạng nước sắc; dùng nước này súc miệng hằng ngày để chữa đau răng.